Tận cùng nỗi đau
TP - Tên em là Thanh Trúc. Câu chuyện về em, về cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS từ 4 tuổi đã tự mình ra suối tắm và giặt lấy quần áo… tôi nghĩ đến thân phận của một cây trúc mảnh mai, đơn độc giữa đại ngàn trong ngày giông bão.
Em đang sống trong sự ghẻ lạnh của chính những người thân yêu, thậm chí bị mang đi vứt bỏ.
Một ngày giá rét nhất từ đầu mùa đông này tôi đã tìm về bản Bãi Đá, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam. Đó là một trong những nơi thuộc diện “vùng sâu vùng xa” nhất của tỉnh miền núi Bắc Giang.
Trong căn nhà của ông Bàn Văn Trọng - Trưởng ban Mặt trận thôn có một bé gái có cái tên thật đẹp: Bàn Thị Thanh Trúc. Thanh Trúc là cháu gọi ông Trọng bằng bác ruột.
Sẽ chẳng có gì quá đặc biệt khi một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ được cô dì chú bác nuôi dưỡng, dù đó là một đứa trẻ có HIV. Nhưng câu chuyện mà tôi sẽ kể không phải là những chuyện thông thường đó.
Kết cục bi thảm của một chuyện tình
Cùng vượt núi Yên Tử đi làm ở Quảng Ninh, Bàn Văn Trung sinh năm 1976 làm mỏ, Bàn Thị Nguyên sinh năm 1979 sang đó nấu cơm, gánh than thuê để kiếm sống. Những điểm tương đồng đã gắn họ lại với nhau. Cưới nhau năm 2001, tháng 9/2002, họ sinh bé gái đặt tên là Bàn Thị Thanh Trúc.
Thanh Trúc hay ốm đau sài đẹn nên hai vợ chồng Trung - Nguyên phải thường xuyên thay nhau đi làm thuê ở Quảng Ninh để kiếm sống. Khi bé Thanh Trúc được gần 4 tuổi, cả hai vợ chồng Trung - Nguyên đều gầy rộc đi, khắp người có nhiều nốt ngứa.
Rất nhiều lá cây rừng chuyên chữa trị mẩn ngứa đã được Trung lấy về đắp nhưng đều không khỏi. Sức khoẻ của hai vợ chồng ngày càng sa sút. Một người bạn của Trung khi vén lưng bạn lên đã thảng thốt nói rằng “mày bị si-đa rồi Trung ơi!”.
Câu nói ấy như khúc cây phang mạnh vào đầu làm Trung choáng váng. Đến khi Bệnh viện 43 và Trung tâm tư vấn phòng chống HIV/AIDS của tỉnh đều kết luận là dương tính với HIV, Trung tưởng chừng như không chịu nổi, trời đất quay cuồng.
Những triệu chứng về căn bệnh đã rõ, Trung hiểu rằng, vợ và con mình cũng đã nhiễm HIV.
Mặc dù có bệnh nhưng Nguyên vẫn phải sang Quảng Ninh làm than thuê. Công việc của Nguyên thực chất là đi đào trộm than hay còn gọi là làm than thổ phỉ đã vắt kiệt sức của cô. Ở Quảng Ninh về, Nguyên bị tiêu chảy suốt không thuốc nào cầm được. Người cô chỉ còn da bọc xương. Chừng nửa tháng sau thì Nguyên chết.
Đám tang của Nguyên lèo tèo hơn chục người. Nỗi sợ hãi, sự ám ảnh về căn bệnh AIDS như con rắn độc luồn lách khắp bản làng, vào từng ngõ ngách của mỗi nhà, mỗi người.
Nguyên là người đầu tiên trong bản chết vì căn bệnh quái ác mà trước đó đa số người dân trong bản chỉ nghe nói trên ti-vi, trên đài. Sau khi vợ chết, Trung cũng như ngọn đèn trước gió, sống lay lắt qua ngày. Anh nằm bệt trên giường, hầu như không đi lại được.
Hàng ngày chỉ có Vinh là em con ông chú qua lại chăm nom giúp anh ăn uống đi lại… Bé Thanh Trúc ở cùng với bố. Buổi chiều ngày 27/11/2006, khi bé Trúc cũng tha thẩn ngoài bờ dậu thì Trung ngậm một kíp mìn vẫn dùng để đánh đá làm than, dùng hai tay đấu hai đầu dây điện với hai quả pin để kích nổ. Sau tiếng nổ ấy, là tiếng khóc xé lòng của Trúc.
Em ra bờ suối, nước mắt chảy tràn. Ông Tiến - nay là Trưởng thôn Bãi Đá đi ngang qua thấy Trúc đứng khóc bèn hỏi: “Sao mà khóc thế Trúc? Thế bố cháu đã ăn cơm chưa?”.
“Bố cháu chết rồi!”- Bé Trúc nghẹn lời.
Dù trưởng thôn Bãi Đá phóng xe đến từng nhà vận động nhưng đám tang của Trung cũng chỉ lèo tèo có vài ba người hàng xóm và anh em trong nhà.
Những người khâm liệm và chôn cất Trung và trước đó là Nguyên đều mặc áo mưa, đi găng tay, đeo khẩu trang cẩn thận. Mộ của hai vợ chồng được đặt song đôi trên đồi bạch đàn heo hút gió, cách nhà chừng nửa cây số.
Cái chết của đôi vợ chồng Trung - Nguyên đã trở thành sự kiện kinh hoàng đối với người dân địa phương. Căn bệnh thế kỷ ấy đã làm cho nhiều người run sợ, hãi hùng còn hơn cả những ám ảnh về con ma rừng.
Suốt trong nhiều ngày, kể từ khi Nguyên và Trung chết, nhiều gia đình không dám ra suối tắm giặt, lấy nước. Ngôi nhà của họ cũng không ai dám bén mảng tới…
Cây trúc mảnh giữa đại ngàn giông bão
Thanh Trúc khi ấy mới được 4 tuổi. Bé được đưa về ở với bác ruột. Từ khi có bé Trúc về nhà, trong làng ngoài xã chẳng mấy ai dám bén mảng tới gia đình ông Trọng. Trẻ con trong bản cũng không chơi với Trúc.
Ông Trọng làm cho Trúc một cái giường bằng những đoạn cây bạch đàn ghép lại, trông giống như cái cũi. Nhìn cái màn một đầy những vết ố vàng, đen bẩn thỉu lúc nào cũng buông thõng quết đất, tôi đồ rằng từ khi người ta mắc chiếc màn đó, chưa hề có ai đụng vào lần nào.
Trong chiếc màn là chăn và quần áo của Trúc chất đống ngổn ngang, cáu bẩn. Phía dưới chân giường là một ca nước và một chiếc cốc lem nhem, bên cạnh là một túi đường để “khi nào muốn thì cứ bốc mà ăn”.
Từ khi bố mẹ chết, Trúc cứ lặng lẽ tự chơi một mình. Không ai muốn đến gần em không ai chăm sóc em. Và em cũng như biết thân biết phận mình nên chẳng bao giờ dám quấy khóc, đòi hỏi.
Đến bữa, Trúc cũng được bác cho ăn cơm nhưng chỉ được ngồi riêng một góc, không được ngồi cùng mâm với mọi người. Mùa nóng, những nốt mẩn ngứa trên đầu sau gáy đau rát, Trúc tự ra suối tắm.
- Con tự mình ra suối tắm à?
- Vâng, con tự tắm mà!
- Thế ai giặt quần áo cho con?
- Con tự giặt…
- Có xà phòng không?
- Có. Bá Sơn (bác của Trúc) cho con một ít…
Không giống như những gì tôi nghĩ, căn nhà của ông Trọng - bác ruột của bé Trúc cũng không đến nỗi nhà tranh vách đất. Căn nhà ấy, ngoài chiếc “giường cũi” của Trúc ra thì mọi thứ khá ngăn nắp, nhà lát gạch đỏ, bàn ghế, giường tủ, xe máy đều có đủ.
Cạnh chiếc “giường cũi” của Trúc còn có chiếc ti-vi đen trắng vẫn còn xem được. Vừa rót nước tiếp tôi, ông Trọng bảo: “Nó khôn lắm vớ! Mang vất nó đi tận Bệnh viện Hải Dương mà nó vẫn về được đấy mà!” “Sao lại đem vứt cháu đi?” “Thì họ hàng anh em bảo thế thì mang vất thôi.
Bọn ta nghĩ rằng nó còn nhỏ thì chưa biết gì. Định mang lên Bệnh viện Lạng Sơn vất. Nhưng gần thế, con này nó khôn nó sẽ về được thôi mà, thế là bọn ta mang vất nó ở khoa nhi- Bệnh viện Hải Dương. Tôi bảo nó cứ ở đấy chờ, bác đi mua bánh và máy xúc cho mày. Nó đứng đó còn bọn ta đi về…”.
Chị Hoa - vợ trưởng thôn Nguyễn Quang Tiến cũng như nhiều bà con khác trong bản, không bằng lòng với cách làm của gia đình ông Trọng. “Dù sao cũng là con cháu mình mà. Nếu không nuôi thì phải làm văn bản gửi Hội Phụ nữ, Chữ thập đỏ của xã chứ sao lại đem vứt? Tội nghiệp lắm!”
Chị cũng là một trong số ít những người biết rằng HIV/AIDS không lây dễ dàng thế đâu nên thi thoảng vẫn sang chơi với cháu, cho cháu vài đồng để mua kẹo…
Trước khi bỏ cháu lại BV Hải Dương, ông Trọng đã viết mấy dòng bỏ vào túi áo của Trúc, đại ý rằng: Cám ơn bác sỹ, đứa này bố mẹ nó chết hết rồi nhờ bác sỹ nuôi, chữa bệnh cho nó nhưng phải bịt mồm đeo găng tay vào đấy!
Ông Trọng không ghi địa chỉ, không ký tên gì cả nhưng khi các bác sỹ hỏi thì Trúc lại nói rành rọt “Cháu tên là Bàn Thị Thanh Trúc. Bố cháu là Bàn Văn Trung, mẹ cháu là Bàn Thị Nguyên. Bác cháu là Bàn Văn Trọng. Nhà cháu ở thôn Bãi Đá, xã Lục Sơn, huyện Lục Ngạn”.
Những thông tin đó, bé Trúc chỉ nhầm huyện Lục Nam thành Lục Ngạn và đó là lý do hơn một tuần sau, Trúc được các bác sỹ ở bệnh viện đưa về nhà. “Trên đường đi, nó chỉ đường đúng lắm vớ, không sai đâu! Thế mới bảo cái con này nó khôn lắm mà!- Ông Trọng nói- Hôm nó về có nhiều người trên ô tô cùng xuống. Họ cho nhiều đồ lắm, chăn màn quần áo cũng nhiều, đồ chơi kẹo bánh cũng nhiều lắm vớ! Họ còn đưa tiền của các bác sỹ ở Bệnh viện Hải Dương quyên góp và cả thư của một bà gì đó ở Sao Đỏ- Hải Dương.
Trong thư bà ấy bảo rằng, con bà cũng bị bệnh như thế, nhưng đừng vất đi mà phải tội. Ngoài lá thư, bà ấy còn gửi hai trăm nghìn đồng cho cháu. Trên xe hôm ấy còn có một bà nhận cái Trúc làm con nuôi, đến nhà bà ấy cứ ra vườn, chúi đầu vào gốc mít mà khóc…
Mấy bác sỹ ở Bệnh viện Hải Dương còn lên một lần nữa cơ. Lần đầu họ nói ta chẳng ra gì. Nói ghê lắm! Lần sau họ lên thì cứ im lặng thôi, không nói nữa! Ta cũng thấy khổ lắm mà! Có ông ở Lục Ngạn đang tìm cách chữa bệnh si-đa bằng thuốc nam bảo bọn ta mang nó sang, ông ấy thử chữa xem có khỏi không - Vợ ông Trọng tên là Sơn nhắc chồng. “Nhưng mà nếu có mang sang để ông ấy chữa thì mình cũng phải làm cam kết với ông ấy.
Cam kết là nếu chữa khỏi được cho nó thì không được lấy tiền! Nếu không chữa khỏi mà nó chết ở bên đó, thì chôn ở bên ấy, không được mang về. Nó còn nhỏ mà, chôn ở bên đó cũng không sao…” - Ông Trọng nói đầy vẻ suy tính.
Tôi giật mình vì cách nghĩ của ông Trọng, thảng thốt quay sang nhìn Trúc. Cô bé vẫn loay hoay với những bịch sữa tươi mà tôi mang đến nhưng mắt và tai vẫn không rời chúng tôi. Đôi mắt của bé Trúc to, đen tròn nhưng ngơ ngác u buồn. Bé không nô đùa, cười nói chỉ đứng tựa cửa nhìn lấm lét. Khi bác gọi đến, bé luôn ngoan ngoãn khoanh tay trước ngực và biết cảm ơn khi ai đó cho quà.
Anh Sáng, một cán bộ ở Hạt kiểm lâm Lục Nam - người đi cùng tôi hỏi nhỏ: “Mình nói chuyện thế này cháu nó hiểu không?” “Nó hiểu chứ, nó biết hết mà! Có người cũng hỏi nó có đi chữa bệnh không, nó bảo: “Con không. Con nằm ở giữa bố và mẹ trên đồi kia!”- Ông Trọng nói.
Khi tôi đề nghị được cùng cháu Trúc lên đồi bạch đàn thắp hương cho bố mẹ cháu, ông Trọng và vợ đồng ý nhưng ông có vẻ ngại ngần khi nhấc Trúc lên xe. Đến nơi, ông Trọng đạp chân chống nhưng cứ để Trúc trên xe loay hoay mãi không xuống được.
Tôi lại gần bế Trúc xuống đất rồi cùng cháu lên đồi. Giữa mênh mông rừng núi, ở lưng chừng đồi bạch đàn heo hút có hai ngôi mộ nằm kề nhau, không có bia đề tên tuổi. Tôi châm hương rồi đưa cho Trúc mấy nén. Cô bé 6 tuổi loay hoay mãi mới cắm được chân hương xuống nền đất khô cằn…
Gió rừng trong ngày giá rét như càng buốt hơn. Tôi lấy trong túi một ít tiền rồi đưa cho cháu để dành mua kẹo. Ông Trọng bảo: “Sao bác cho cháu nhiều thế? Mang về đưa cho bá Sơn cất hộ không mai tao lấy đi uống rượu hết vớ!”.
Ông Trọng không đưa Trúc về mà phóng xe đi đâu đó. Một mình Trúc lủi thủi đi giữa con đường đất đỏ mịt mờ, xung quanh em là đại ngàn rừng núi. Tôi ngoái theo chụp với lấy một tấm ảnh mà nước mắt cứ trào ra...
Đỗ Sơn